Trong cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại của dân tộc ta (1954-1975), miền Đông Nam Bộ nói chung và Tây Ninh nói riêng là địa bàn chiến lược rất quan trọng. Đó là điều kiện để Đảng ta chỉ đạo hình thành nhiều căn cứ kháng chiến, xây dựng hệ thống căn cứ liên hoàn, tạo thế đứng vững chắc cho lực lượng kháng chiến đến thắng lợi hoàn toàn. Khu căn cứ địa Bắc Tây Ninh (đây là một vùng rừng nguyên sinh rộng lớn chiếm hơn 1/3 diện tích tỉnh Tây Ninh, nối liên hoàn với chiến khu Đ thuộc địa bàn tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, khu 6 và miền Tây Nam bộ) từng được mệnh danh là thủ đô của cách mạng miền Nam, nơi đứng chân của các cơ quan lãnh đạo cao nhất của cách mạng miền Nam như: Trung ương Cục miền Nam, Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, Chính phủ cách mạng lâm thời cộng hòa miền Nam Việt Nam.
1. Điều kiện tự nhiên
Khu căn cứ Trung ương Cục miền Nam đứng chân ở nhiều nơi như Chắc Băng thuộc vùng U Minh Thượng, tỉnh Cà Mau (nay là huyện Vĩnh Thuận, tỉnh Kiên Giang); Suối Nhung, Mã Đà, Chiến khu Đ Đồng Nai; địa điểm Rùm Đuôn nay thuộc ấp Tân Tiến, xã Tân Lập, huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh. Trong đó địa điểm Rùm Đuôn là nơi đứng chân lâu nhất cho tới ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng.
2. Tên gọi
Khu căn cứ Trung ương Cục miền Nam còn có tên gọi khác như: R là mật danh của Trung ương Cục miền Nam; Khu căn cứ Chàng Riệc (căn cứ xây dựng trong khu rừng Chàng Riệc); Khu căn cứ Phạm Hùng (đồng chí Phạm Hùng giữ chức vụ Bí thư trong một thời gian dài) và Căn cứ địa Bắc Tây Ninh.
3. Lịch sử hình thành
Tháng 3 năm 1951, Hội nghị Trung ương lần thứ nhất (khóa II) quyết định thành lập Trung ương Cục miền Nam do đồng chí Lê Duẩn làm Bí thư. Ngày 6/9/1954, Bộ Chính trị quyết định giải thể Trung ương Cục miền Nam, lập lại Xứ ủy Nam Bộ và các Khu ủy.
Ngày 23/01/1961, Hội nghị lần thứ III Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa III) quyết định thành lập lại Trung ương Cục miền Nam. Ngày 27/3/1961, Trung ương chỉ định nhân sự của Trung ương Cục gồm 8 đồng chí: Nguyễn Văn Linh, Võ Chí Công, Phan Văn Đáng, Phạm Văn Xô, Phạm Thái Bường, Võ Văn Kiệt, Trần Nam Trung, Nguyễn Đôn. Đồng chí Nguyễn Văn Linh- Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Xứ ủy Nam Bộ làm Bí thư Trung ương Cục miền Nam.
Năm 1964, đồng chí Nguyễn Chí Thanh, ủy viên Bộ Chính trị làm Bí thư Trung ương Cục, kiêm Bí thư Quân ủy Miền. Đồng chí Nguyễn Văn Linh làm Phó Bí thư Trung ương Cục.
Giai đoạn 1967-1975, đồng chí Phạm Hùng làm Bí thư, các đồng chí Nguyễn Văn Linh, Phan Văn Đáng, Hoàng Văn Thái làm Phó Bí thư Trung ương Cục miền Nam.
Trong 15 năm (1961-1975) Trung ương Cục miền Nam là nơi tập trung ra đời nhiều Chỉ thị, Nghị quyết, quyết định đường lối chiến lược của cách mạng miền Nam; là nơi sống và làm việc của các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước, gắn liền với những sự kiện lịch sử quan trọng trong suốt giai đoạn kháng chiến chống Mỹ cho đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng.
4. Diện mạo của Căn cứ Trung ương Cục Miền Nam ngày nay
Với diện tích khoảng 70ha, khu căn cứ được xây dựng giữa rừng nguyên sinh với nhiều tầng cây che phủ. Đúng với câu nói “rừng che bộ đội, rừng vây quân thù” của nhà thơ Tố Hữu, chứng tỏ vị trí này là một lợi thế về quân sự của cách mạng miền Nam Việt Nam.
Hệ thống nhà ở và phòng làm việc trong Căn cứ được xây dựng nổi trên mặt đất, toàn bộ cột, kèo, đòn tay đều làm bằng gỗ, mái được lợp bằng lá trung quân, một loại lá rừng có độ bền cao và chịu đựng được thời tiết khắc nghiệt. Các hầm trú ẩn thường làm kế cận nhà ở và làm việc, chìm vào lòng đất.
Căn cứ Trung ương Cục Miền Nam được chia thành 3 phân khu chính là: Khu di tích, khu tưởng niệm, khu bảo tồn cảnh quan thiên nhiên - du lịch.
+ Khu di tích : Đã được phục dựng nhà thường trực, hội trường lớn, hội trường nhỏ, nhà bảo vệ, văn phòng, bếp Hoàng Cầm, nhà ở và làm việc của các đồng chí Nguyễn Văn Linh, Nguyễn Chí Thanh, Võ Văn Kiệt, Phạm Hùng..., phục hồi lại hệ thống giao thông hào, ụ chiến đấu và hầm hàm ếch để phục vụ cho nhu cầu tham quan du lịch.
+ Khu tưởng niệm bao gồm các công trình: Nhà đón tiếp, trưng bày, khu tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ, với tổng diện tích xây dựng của khu vực này là 750m2
+ Khu bảo tồn: Có không gian thiên nhiên đa dạng về sinh học.
Những hiện vật trưng bày tại đây đơn sơ, bình dị liên quan đến sinh hoạt trong chiến khu thời lửa đạn nhưng lại chứa đựng nhiều ý nghĩa: bàn làm việc mộc mạc của các đồng chí lãnh đạo, chiếc bật lửa làm bằng vỏ quả lựu đạn, chiếc lược làm từ mảnh xác máy bay Mỹ. Tất cả được tái hiện sinh động của thời kỳ sống và làm việc gian khổ, một giai đoạn đấu tranh anh dũng của những đồng chí trong lịch sử cách mạng miền Nam.
Tại đây còn có hệ thống sa bàn diễn biến chiến dịch phản công đánh bại cuộc hành quân Junction city của quân Mỹ vào Căn cứ Bắc Tây Ninh (từ ngày 22/02 đến ngày 15/4/1957).
Du khách khi đến đây luôn được tận hưởng một bầu không khí trong lành dưới những hàng cổ thụ sừng sững và lắng nghe bản nhạc rừng du dương của tiếng chim hót líu lo và tiếng lá cây xào xạc.
Di tích lịch sử văn hóa Căn cứ Trung ương Cục Miền Nam là nơi lưu giữ lại những chứng tích, những kỷ niệm về cuộc đời hoạt động cách mạng hết sức gian khổ, hy sinh, những rất đổi tự hào của người dân Nam Bộ nói chung và Tây Ninh nói riêng. Di tích mang một ý nghĩa rất lớn trong sự nghiệp giáo dục tinh thần yêu nước, lòng tự hào luôn hướng về nguồn cội của thế hệ trẻ.
Du khách khi đến tham quan không chỉ được sống lại trong không gian lịch sử hào hùng của dân tộc đồng thời trải nghiệm hệ sinh thái rừng nhiệt đới đa dạng của Tây Ninh.
Điểm đến Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Căn cứ Trung ương Cục Miền Nam, là một điểm tham quan đầy tính hấp dẫn và thú vị cho những du khách thích khám phá, tìm hiểu về lịch sử dân tộc, về thiên nhiên cùng những trải nghiệm khó quên trong hành trình du lịch đến với tỉnh Tây Ninh.