Vùng đất Tây Ninh nơi có cộng đồng dân tộc Khmer sinh sống từ lâu đời. Trải qua những thăng trầm của cuộc sống, những người dân Khmer vẫn sống chan hòa với từng mùa mưa, mùa nắng cùng với những dân tộc Việt, Hoa, Chăm. Người Khmer với tôn giáo chính của họ là Phật giáo Nam Tông (Theraveda), tiêu biểu là những công trình tôn giáo với những mô - tip kiến trúc độc đáo, chịu ảnh hưởng của kiến trúc đền tháp Ấn Độ giáo. Chùa Khedol của dân tộc Khmer tại Tây Ninh là một trong những ngôi chùa có bề dày lịch sử lâu đời, có lối kiến trúc tuyệt đẹp, gắn liền những giá trị văn hóa của vùng đất Tây Ninh từ thời khai hoang mở cõi cho đến nay.
Chùa Khedol mang nét kiến trúc độc đáo của Phật giáo Nam Tông, có bề dày lịch sử lâu đời, nơi chốn tâm linh trang nghiêm của cộng đồng Khmer, chính vì vậy được đông đảo người dân trong và ngoài tỉnh đến chiêm bái và gửi gắm niềm tin. Chùa Khedol được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh tại quyết định 117/QĐ-CT vào ngày 29/4/2002.
1. Vị trí chùa Khedol
Chùa Khedol được xây dựng trên gò đất cách ngã ba Khedol chừng 50 mét thuộc ấp Thạnh Đông, xã Thạnh Tân, Thành phố Tây Ninh.
2. Ý nghĩa tên gọi Chùa Khedol
Tên gọi Khedol có nguồn gốc từ ngữ hệ Môn - Khmer [ខ្យល់ - Khdol ] nghĩa là “gió”, bởi khu vực này có núi Bà và núi Phụng chắn ngang nên gió lùa vào rất nhiều, nhất là mùa gió bấc. Khedol là tên của một cánh đồng rộng lớn phía Bắc của núi Bà Đen. Nơi cánh đồng Khedol này có nhiều cây bịt mọi, thốt nốt, me…với nhiều kiểu dáng trông rất đẹp. Đặc biệt nơi đây còn nhiều dấu tích của làng xưa, chùa cũ đã bị bom đạn chiến tranh tàn phá đổ nát.
Trên thực tế Chùa Khedol có tên Pali là Botum Kiri Rang-sei, nghĩa là “hào quang của đóa hoa sen gần núi”. Trong đó: Kiri nghĩa là gần núi, những chùa Khmer gần ngọn núi. Botum nghĩa là hoa sen, tượng trưng cho nhân quả, luân hồi và cứu vớt những linh hồn nơi địa ngục. Rang-sei nghĩa là hào quang, tượng trưng cho ánh sáng, trí tuệ Đức Phật.
Chùa Khedol còn được dân tộc Khmer gọi là chùa Sđo vì ngôi chùa được xây dựng khu vực đầu phum Sđo. (Phum – sóc: làng, xóm)
3. Lịch sử hình thành
Chùa được thành lập từ năm 1811, qua nhiều lần di dời, bà con chọn gò đất Sỏi Phún, nơi chính phủ Việt Nam Cộng Hòa dự định xây dựng căn cứ quân sự nhưng bị bỏ dở, để xây dựng lại ngôi chùa hiện nay.
Chùa Khedol xưa được xây dựng bằng vật liệu tạm bợ, chủ yếu là kết hợp giữa cây lá và gạch…qua nhiều lần xuống cấp rồi sửa chữa. Sau đó khởi công xây dựng năm 2003 mãi đến năm 2013 chùa mới được trùng tu và xây dựng mới ngôi chánh điện như hiện nay.
Để có được chùa Khedol như ngày hôm nay, công lớn nhất thuộc về Sư cả Kiên Sô Phát, Sư Phát có quê ở Châu Thành, Trà Vinh xuất gia làm Sadi năm 1988, năm 1995 thụ giới Tỳ Kheo là người tinh thông đạo học và rất giỏi về những lĩnh vực khác như: dạy tiếng Pali – Khmer, vẽ tranh tường, điêu khắc, nghề mộc, nghề xây dựng làm hoa văn…
Năm 2002, Sư Phát về chùa Khedol mở lớp dạy học, giúp đỡ các trẻ em nghèo biết thêm chữ nghĩa, đồng thời vận động bà con trong làng cùng nhau quyên góp xây dựng nên Chùa Khedol, vì thế Chùa ngày càng khang trang trở thành trung tâm tín ngưỡng Phật giáo Nam Tông của cộng đồng Khmer tại Tây Ninh, và là niềm tự hào của người dân trong vùng.