Du lịch tỉnh Tây Ninh đang vô cùng phát triển đa dạng các khía cạnh như tôn giáo, tín ngưỡng, thiên nhiên núi rừng. Và có một điểm tham quan du lịch đang rất thu hút giới trẻ bằng hình thức cắm trại, đó chính là điểm tham quan Hồ Dầu Tiếng. Đây là công trình thủy lợi giúp trữ nước sông Sài Gòn, hỗ trợ hệ thống tưới tiêu cho rất nhiều tỉnh thành khu vực Đông Nam Bộ. Hồ Dầu Tiếng có phong cảnh hữu tình và hệ sinh thái độc đáo, cảnh quan 2 bên bờ hồ thơ mộng. Tạo nên một bức tranh tuyệt đẹp dưới ánh hoàng hôn vào mỗi buổi chiều. Chính vì thế mà nhiều khách du lịch lựa chọn điểm tham quan Hồ Dầu Tiếng cho chuyến du lịch cuối tuần của mình.
1. Vị trí
Hồ Dầu Tiếng nằm trên địa phận 4 huyện của 3 tỉnh: huyện Dương Minh Châu, huyện Tân Châu của tỉnh Tây Ninh, huyện Dầu Tiếng của tỉnh Bình Dương và huyện Hớn Quản của tỉnh Bình Phước.
2. Tên gọi
Theo một số giả thuyết thì tên gọi “Dầu Tiếng” đã có từ thời Pháp, tại khu vực này còn là rừng nguyên sinh trải dài trên vùng đất xám do hai con sông Sài Gòn ở phía tây và sông Thị Tính ở phía đông. Bồi đắp tạo thành hình chữ V ôm lấy vùng đất Dầu Tiếng từ ba mặt. Bên bờ sông Sài Gòn, khu vực Cầu Tàu bây giờ, thuở ấy có một cây cầu dầu lớn (ba, bốn người ôm không xuể) đổ xuống. Thân nằm vắt ngang dòng sông, làm thành một chiếc cầu tự nhiên. Cây dầu với độ lớn và vị trí của nó đã thành danh do người dân sinh sống nơi đây và những người qua lại gọi mãi thành quen. Từ đó, Nhân dân lấy tên cây “dầu” có “tiếng” này để gọi tên vùng đất huyện “Dầu Tiếng” ngày nay.
3. Lịch sử xây dựng
Hồ Dầu Tiếng được khởi công xây dựng từ năm 1981 và hoàn thành vào năm 1985 sau hơn bốn năm thi công. Tổng số vốn đầu tư là 110 triệu đô. Với diện tích mặt nước 27 km, diện tích lưu vực 27.000 ha và dung tích chứa được đến 1,58 tỷ m³ nước.
Ngày 02 tháng 7 năm 1984 , hồ bắt đầu tích nước và đến ngày 10 tháng 01 năm 1985, hệ thống thủy lợi Dầu Tiếng với hai tuyến kênh chính Đông và Tây chính thức đưa vào khai thác.
Từ năm 1996 đến năm 1999, kênh Tân Hưng được xây dựng để dẫn nước từ hồ Dầu Tiếng tưới cho các xã phía nam của hai huyện Tân Châu và Tân Biên.
Năm 2012, hồ thủy lợi Phước Hòa và kênh dẫn nước đi vào hoạt động để chuyển nước từ Sông Bé sang bổ sung cho hồ Dầu Tiếng.
Trong lòng hồ còn có nhiều ốc đảo với tên: đảo Xỉn, đảo Trảng, đảo Đồng Bò… tạo nên hệ sinh thái đa dạng cho khu vực hồ. Chính vì vậy người dân quanh đây còn có thêm nghề đánh cá ở hồ.
Nhân công xây dựng hồ lúc bấy giờ là các thanh niên, có thời điểm lên đến hàng chục ngàn người. Số liệu thống kê của tỉnh đoàn Tây Ninh cho biết, đến ngày công trình đưa vào vận hành, Tây Ninh và các tỉnh, thành lân cận đã huy động được hơn 450 ngàn lượt đoàn viên - thanh niên tham gia; thực hiện gần 15 triệu ngày công lao động; đào đắp được hơn 11,6 triệu m³ đất, xây lắp gần 54 ngàn m³ bê tông và đá xây. để xây dựng nên hàng ngàn km kênh và hàng ngàn công trình trên kênh.
4. Giá trị Hồ Dầu Tiếng mang lại
Cho đến nay sức tưới của hồ đạt hơn 67.400 ha/vụ cho trong và ngoài tỉnh. Điều này có ý nghĩa quan trọng trong việc trực tiếp giúp đẩy mặn, ngọt hóa vùng hạ du sông Sài Gòn, sông Vàm Cỏ Ðông. Và gián tiếp phục vụ sản xuất nông nghiệp cho hơn 32.000 ha trong lưu vực.
Điều tiết nhiều năm nước sông Sài Gòn để cấp nước tưới chủ động cho 93.000 ha đất nông nghiệp của các huyện Tân Biên, Tân Châu, Châu Thành, Bến Cầu, Dương Minh Châu, Gò Dầu, Trảng Bảng, TP.Tây Ninh (tỉnh Tây Ninh), Củ Chi (TP. Hồ Chí Minh), Đức Hòa (Long An).
Cấp nước cho nhu cầu sinh hoạt và sản xuất công nghiệp trong vùng khoảng 100 triệu m³ mỗi năm. Tận dụng diện tích mặt nước và dung tích hồ để nuôi cá. Cải tạo môi trường, sinh thái.
Ngoài ra, công trình đường ống vượt sông Vàm Cỏ Đông thuộc dự án tưới tiêu khu vực phía Tây sông Vàm Cỏ Đông dẫn nước từ hồ Dầu Tiếng về phục vụ tưới tiêu cho gần 17.000 ha đất nông nghiệp và sản xuất công nghiệp, sinh hoạt và chăn nuôi cho 2 huyện biên giới Châu Thành, Bến Cầu. Tổng mức đầu tư của dự án lên tới 1.246 tỷ đồng.
5. Các trải nghiệm du lịch tại Hồ Dầu Tiếng
Thời điểm đẹp nhất du lịch Hồ Dầu Tiếng. Khoảng thời gian vào mùa khô từ tháng 12 đến tháng 4 là thời điểm lý tưởng để bạn tham quan hồ Dầu Tiếng. Đặc biệt là vào các tháng hè. Bởi thời tiết Tây Ninh vào thời điểm này khá khô nóng nhưng khi tới hồ thì sẽ mát mẻ trở lại. Mùa hè ít mưa nên rất thuận lợi cho việc di chuyển. Đến đây tham quan vào lúc bình minh và hoàng hôn là hai thời điểm đẹp nhất để ngắm cảnh. Sau đây là các dịch vụ nên trải nghiệm tại Hồ Dầu Tiếng:
• Chiêm ngưỡng khoảnh khắc bình minh và hoàng hôn lãng mạn bên Hồ Dầu Tiếng
• Khám phá các đảo ở Hồ Dầu Tiếng bằng cano.
• Chèo thuyền SUP giữa mặt hồ mênh mông.
• Trải nghiệm câu cá, bắt ốc ở Hồ Dầu Tiếng Tây Ninh.
• Cắm trại qua đêm tại Khu du lịch Hồ Dầu Tiếng.
• Tiệc BBQ nướng thân mật cùng gia đình và bạn bè.
Hồ Dầu Tiếng là hồ nhân tạo lớn nhất Việt Nam và lớn nhất khu vực Đông Nam Á. Tuy nhiên thì cảnh quan nơi đây không hề “nhân tạo” một chút nào. Nơi đây rất thích hợp cho việc nghỉ ngơi cuối tuần, tránh xa ồn ào, náo nhiệt nơi thành phố. Nơi đây còn giữ được những giá trị mộc mạc, hoang sơ bởi chưa có sự tác động bên ngoài. Du lịch Tây Ninh bỏ qua Hồ Dầu Tiếng quả là một điều thật đáng tiếc. Hãy thưởng cho mình một chuyến đi đến Tây Ninh để cùng hòa vào bầu không khí lãng mạn, thơ mộng trong ánh hoàng hôn rực cháy. Sau đó là đón chào bầu không khí tươi mới trong buổi sáng bình minh tại Hồ Dầu Tiếng. Với phong cảnh thiên nhiên, cùng vị trí tuyệt đẹp, nơi đây là một điểm đến du lịch sinh thái hấp dẫn, thu hút du khách.