Căn cứ Động Kim Quang

Căn cứ Động Kim Quang
Ngày đăng: 1 năm
Nhấp vào đây để hiển thị nội dung Tiếng Việt

     Thuyết minh tự động Tiếng Việt: 

 

Động Kim Quang, Động Cây Da và hang Đất là căn cứ của huyện ủy Tòa Thánh từ năm 1961, có diện tích 25.096,5 m2, thuộc địa giới hành chính xã Thạnh Tân, thành phố Tây Ninh, tỉnh Tây Ninh là căn cứ địa bất khả xâm phạm của lực lượng quân giải phóng của ta nằm ở sườn núi phía Nam, ở độ cao 50m.

 Nơi đây có tên là Động Kim Quang, theo lời kể năm 1954, một sư thầy có pháp danh là Kim Quang đã thỉnh tượng Phật Tổ về thờ và tu tại hang này. Năm 1961, trước tình hình chuyển biến của phong trào cách mạng nên thầy Kim Quang nhường lại hang động này cho cách mạng để lập căn cứ, ông về thị xã để tiếp tục tu hành, sau này để nhớ đến công đức của thầy nên lấy pháp danh Kim Quang đặt cho động này.

Vào tháng 10.1961, Huyện ủy Tòa Thánh (nay là Thị ủy Hòa Thành) chính thức được thành lập. Chỉ huy sở của Huyện ủy đóng tại động Cây Da, còn Động Kim Quang là nơi đóng quân của Huyện đội, đây là nơi đón nhận những chủ trương chỉ đạo của Đảng, góp phần đưa ánh sáng cách mạng đến với đồng bào các tôn giáo.

Sau khi thành lập, dựa vào thế núi Bà, huyện ủy đóng chốt xây dựng căn cứ nơi đây và hình thành Ban chỉ huy quân sự huyện với các bộ phận như: thanh niên, dân y, hậu cần..

Trước tình hình diễn biến của phong trào cách mạng lúc bấy giờ. Chúng ta có thể hình dung núi Bà là một mô hình tam giác, phía dưới chân núi là lính Mỹ Ngụy trú đóng, lưng chừng núi là lực lượng cách mạng của ta, còn trên đỉnh núi Mỹ đã thành lập đài viễn thông kiểm soát cả khu vực, có sân bay dã chiến và cả một hệ thống truyền tin quân sự... Và vì núi Bà Đen có vị trí chiến lược vô cùng quan trọng, có thể quan sát và khống chế cả một vùng rộng lớn bao gồm 3 tỉnh miền Đông Nam Bộ (Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai và một phần lãnh thổ Campuchia) do đó núi Bà đã trở thành nơi giao tranh quyết liệt giữa ta và địch.

Còn Động Kim Quang đóng vai trò như một chốt tiền tiêu, tổ chức nhiều trận  đánh, bứt rút đồn địch dưới chân núi, tài nghệ bắn tỉa bằng súng trường K44 của các “dũng sĩ núi Bà” đã làm cho địch dưới chân núi hoàn toàn thụ động, không dám ló đầu ra khỏi bốt. Chỉ với diện tích 75m2, gồm 60 đồng chí mang số hiệu C34 và trong hoàn cảnh vô cùng khốc liệt, bao nhiêu bom đạn, chất độc hóa học của địch đã trút xuống núi, xuống Động Kim Quang. Những năm tháng ở hang động gian lao, thiếu nước, đói cơm, các chiến sĩ ta đã phải đào bới từng củ nần, bẻ từng bắp chuối, rau quả, thú rừng, lấy hang động làm nhà, lấy đá làm giường … nhưng các chiến sĩ vẫn kiên cường bám núi, đương đầu với mọi khó khăn, gian khổ.

Về phía địch, sau nhiều lần bị thua đau Mỹ Ngụy đã nhận ra chính cái Động Kim Quang là cội nguồn, là nguy cơ tiềm tàng sức mạnh giáng xuống đầu chúng. Vì vậy chúng tìm mọi cách, mọi khả năng để nhổ “cái bốt Việt cộng” Kim Quang ra khỏi núi. Chúng dùng lực lượng từ trên đỉnh đánh xuống, dưới chân núi đánh lên, hình thành thế bao vây đẩy lực lượng của ta vào tình thế cực kỳ khó khăn. Nhưng gần 2 tháng bao vây, bắn phá với pháo nặng, xe tăng, bom napan, chất độc hóa học, và quân số áp đảo, địch vẫn không nhổ được ta ra khỏi núi, bọn chúng phải cay đắng rút quân. Từ cuối năm 1970, Mỹ phải chấp nhận quân giải phóng làm chủ núi Bà. Dù chúng đã cố khôi phục lại căn cứ truyền tin trên đỉnh núi nhưng ngày 6.1.1975 quân ta đã hoàn toàn giải phóng núi Bà Đen.

Trải qua những năm tháng bi hùng oanh liệt ấy, căn cứ Kim Quang thương tiếc vô vàn hàng ngàn dũng sĩ của mọi miền đất nước đã từng sống, chiến đấu và hy sinh tại đây. Hàng năm, Thị ủy Hòa Thành đã long trọng tổ chức lễ hội truyền thống Kim Quang vào ngày 14 tháng Giêng âm lịch để tưởng nhớ những người đã ngã xuống vì đất nước, vì độc lập, tự do cho thế hệ hôm nay.

Nguồn ảnh: Tổng hợp