Động Ba Cô núi Bà Đen Tây Ninh thờ ai?
Bước qua cửa hang động, bạn sẽ thấy điện thờ uy nghi đặt 3 bức tượng bằng đá, đây chính là ba nữ tu sĩ đồng trinh được người dân thờ trong động Ba Cô. Bức tượng ở giữa là chị cả, bên trái là tượng của người em gái thứ hai, bên phải là tượng của người em út.
Sự tích động Ba Cô
Tương truyền, vào khoảng đầu thế kỷ 20, khi núi Bà Đen còn là nơi “rừng thiêng nước độc”, có 3 chị em vốn sinh sống ở Bến Tre lên núi Bà Đen tu hành. Hàng ngày, họ xuống núi chữa bệnh cho người dân, tối lên núi cùng nhau tu hành. Theo lời người dân lên núi kể lại thấy ba cô ngồi thiền định ngủ suốt hàng chục năm trời. Nhờ hấp thụ linh khí núi Bà Đen linh thiêng, ba cô dần tỏ tường ngày vãn sanh của mình.
Sau khi ba cô mất, người dân đã lập đền thờ ba cô tại hang động nơi các cô thường ngồi thiền định, tu tập suốt hàng chục năm trời xưa kia. Từ đó, người dân lên động Ba Cô cầu nhân duyên, tài lộc và sức khỏe, đặc biệt cầu tình duyên rất linh nghiệm.
Di chuyển từ chân núi Bà Đen đến Động Ba Cô
Để tới động Ba Cô Tây Ninh từ chân núi Bà Đen, du khách cần đi tuyến cáp treo Chùa Hang từ Nhà ga Bà Đen tới Ga Chùa Hang, ra khỏi nhà ga đi bộ tiếp khoảng 400m, bước qua một đoạn lối lên bậc thang sẽ tới cổng ghi chữ Quan Âm Tự (chùa Quan Âm), đi tiếp theo lối bậc thang một đoạn nữa sẽ tới cửa vào động Ba Cô.
Ngoài ra, còn một lối vào động Ba Cô khác bên trái Điện thờ Ba Cô, ngay cạnh sân chùa Quan Âm, được tạo bởi một bên là vách núi đá, một bên là gốc cây sung cổ thụ. Xưa kia, lối đi này đủ rộng cho đoàn khách vào ra lễ Cô nhưng theo thời gian, gốc cây sung sinh trưởng làm cho lối đi ngày càng hẹp hơn, giờ đây chỉ đủ cho một người đi qua.
Khám phá vẻ đẹp trong Động Ba Cô Tây Ninh
Từ sân Chùa Quan Âm, du khách tìm thấy cửa vào động Ba Cô là ngách nhỏ bên trái Điện thờ Ba Cô. Lối đi này tạo thành bởi một bên là vách đá, một bên là gốc sung già với tán lá xum xuê đủ rộng để che mát cho mái điện thờ. Năm tháng đi qua, gốc sung ngày một lớn, lối vào cửa động cũng hẹp dần, hiện tại chỉ nhỏ vừa một người lách qua.
Ngay lối vào cửa động đặt tượng Thần Tài và Thổ Địa, đi sâu vào bên trong, động Ba Cô chào đón du khách bởi tiếng suối chảy róc rách và không gian rộng lớn với nhiều ngách nhỏ. Đá núi Bà Đen không phải đá vôi mà là các tảng đá lớn bằng cả ngôi nhà xếp chồng lên nhau. Giữa các phiến đá đó có các kẽ hở, tạo thành các hang động, động Ba Cô cũng hình thành như thế. Vì vậy, bên trong sẽ không có các dải thạch nhũ đủ màu sắc rủ xuống từ trên cao lung linh như các hang ở Phong Nha – Kẻ Bàng.
Những chỏm đá nhọn trông giống như thạch nhũ ở bên trong động Ba Cô là do các nghệ nhân sau này trùng tu đắp nặn lên. Bởi không phải thạch nhũ nên những chỏm đá này không phản xạ ánh sáng lung linh, khi đi tới đoạn tối, ngước nhìn lên cao ngỡ như thấy bàn chông. Tuy nhiên, trong hang động được bố trí rất nhiều bóng đèn điện đủ màu sắc, đặt trên trần, dọc lối đi, trong các ngách đá, bạn sẽ bất ngờ trước không gian huyền bí, kỳ ảo này.
Đi tới mỗi ngách nhỏ, du khách sẽ thấy một ban thờ của mỗi vị Phật, vị Thánh khác nhau, cuối hang là ban thờ bày tượng Ba Cô nổi bật nhất, đặt giữa các mâm đồ lễ trong hương thơm ngào ngạt từ hoa dâng điện thờ. Dưới ban thờ có ống que bói cho du khách gieo quẻ khi tới lễ.
Ngay cạnh động Ba Cô là chùa Quan Âm – ngôi chùa tọa lạc tại vị trí cao nhất trong quần thể chùa trên núi Bà Đen, thờ Quan Thế Âm Bồ Tát. Ngôi chùa này được xây dựng theo kiến trúc chùa Khmer Nam Bộ, phản ánh nét văn hóa đặc trưng của Phật giáo Nam tông, khác với kiến trúc Phật giáo Bắc tông ở Bắc Bộ. Phần mái thiết kế xếp tầng, các góc uốn cong trang trí họa tiết cầu kỳ, đẹp mắt.
Du khách tới chùa Quan Âm thường cầu bình an, tài lộc, may mắn cho bản thân, gia đình và bạn bè.