Nhấp vào đây để hiển thị nội dung Tiếng Việt
Thuyết minh tự động Tiếng Việt:
Giai thoại tên gọi chùa Hang Tây Ninh
Chùa Hang vốn là một hang đá cách thung lũng suối Vàng, đến năm 1830 được xây dựng theo hệ phái Bắc Tông. Từ năm 1864, đây là nơi tu tập của thầy Huệ Mạng Kim Tiên cùng một nhà sư họ Chăm và có tên gọi là Linh Sơn Long Châu tự. Ngôi chùa này được trùng tu năm 1995 trước khi có diện mạo khang trang như hiện nay.
Tên gọi chùa Hang hiện nay bắt nguồn từ sự tích “Ông Đá nứt hai trên núi Điện Bà” được lưu truyền trên khắp Tây Ninh. Sự tích kể rằng, ngày xưa, đường đi lên núi Điện Bà rất hiểm trở. Khách hành hương đến chùa Hang phải đi vòng qua một “ông Đá” to, chặn lấp giữa cửa. Thương người dân đi lại vất vả, Sư tổ Tánh Thiền – Quảng Thông muốn rút ngắn đường đi cho khách thập phương nhưng không biết làm cách nào, đành tụng kinh cầu nguyện chư Phật Thánh Tiên.
Chuyện kỳ lạ là đến ngày cầu nguyện thứ 100 thì “ông Đá nứt đôi ra, hai bên đá mở ra chừa một lối đi bề ngang 1,5m”. Kể từ đó, người dân muốn lên núi viếng thăm chùa Hang có đường đi lại dễ dàng hơn. Lối đi vào chùa hiện nay nằm giữa hai tảng đá lớn được cho là dấu tích của câu chuyện năm xưa.
Chùa Hang thờ ai?
Chùa Hang thờ Đạt Ma Sư Tổ, Bà chúa xứ (mặt trắng), ba ông Phúc – Lộc – Thọ, Phật Thích Ca Mâu Ni Niết Bàn, Phật Di Lặc, Ngũ Hành nương nương… Cụ thể chùa có quy mô lớn với 2 khu vực thờ cúng là chùa nhân tạo và hang đá tự nhiên.
- Khu vực chùa nhân tạo
- Tiền đường thờ Quan Thế Âm Bồ Tát
- Tầng trệt: chính điện thờ Sư Tổ Đạt Ma, bên trái thờ Bà Linh Sơn – Bà Chúa Xứ
- Tầng lầu: chánh điện Phật thờ Địa Tạng Vương Bồ Tát, Tam bảo, Ngọc Hoàng Đại Đế, Hộ Pháp, Phật Thích Ca Mâu Ni, Đạt Ma Sư tổ…
- Khu vực điện bà
Điện thờ Bà nằm gọn trong một hang đá có diện tích, độ cao và tạo hình như điện Bà Đen đang ngự. Trước cửa hang cũng gồm hai lối ra vào, trấn cửa là Tiêu Diện Đại Sĩ phía trong tượng Hộ pháp quay mặt vào chánh điện. Ở giữa điện có tượng Phật Di Đà, bốn góc có các tượng Phật Quan Âm, Thích Ca sơ sinh, Thế Chí Bồ Tát và Chuẩn Đề 18 tay.
Phía trong cùng, dãy ban thờ hàng ngang từ ngoài nhìn vào, góc trái thờ Địa Tạng cưỡi sư tử, kế bên có tượng Linh Sơn Thánh Mẫu màu đen, hai bên tượng Bà có 2 tượng nhỏ cô cậu đứng hầu. Kế đó là tượng Bà Chúa Xứ. Bên góc phải là ban thờ tượng Ngọc Hoàng. Phía ngoài hang là một sân có tượng Phật Bà Quan Âm cao khoảng 2m.
- Khu vực hang đá tự nhiên
Lên qua một cầu thang, đi sâu vào hang đá phía trong là khu vực thờ ba ông Phúc Lộc Thọ, ông Thổ Địa – Thần Tài, Phật Thích Ca Mâu Ni Niết Bàn, Phật Di Lặc, Ngũ Hành Nương Nương…
Ngay gần hai tảng đá lớn dẫn vào hang là một tấm bia đá lớn màu đen, chữ vàng bóng loáng, có mái che. Đây là nơi tưởng niệm 181 cán bộ chiến sĩ trinh sát đã anh dũng hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Các cán bộ chiến sĩ thuộc Liên đội 7 Trinh sát.
Khi đến chùa Hang lễ bái, du khách có thể dâng lễ lên Thánh Mẫu để được bà phù hộ. Ngoài ra, bạn có thể lễ bái tại điện thờ Đạt Ma Tổ Sư để tiêu trừ các nguồn năng lượng xấu hay cầu bình an từ Phật Bà Quán Thế Âm; cầu thịnh vượng, may mắn và sức khỏe từ ông Phúc – Lộc – Thọ… Nhiều du khách cũng chọn dừng chân trước bàn thờ Cửu huyền nghi ngút khói hương, dành vài phút tưởng niệm để bày tỏ lòng thành kính, biết ơn đối với các thế hệ đi trước.
Kiến trúc chủ đạo của chùa Hang Tây Ninh
Từ Linh Sơn Tiên Thạch Tự nhìn lên, du khách sẽ thấy chùa Hang ẩn hiện giữa lưng chừng vách núi và được bao phủ bởi những tán cây xanh xanh mướt. Sau khi vượt qua trăm bậc thang dẫn đến chùa, du khách sẽ đến điện thờ Linh Sơn Thánh Mẫu và bên cạnh là khu vực thờ Đạt Ma Tổ Sư. Khu vực thờ cúng ở khuôn viên chùa có diện tích không quá lớn, đặc trưng bởi lối thiết kế đơn giản. Hai cột trước điện thờ Linh Sơn Thánh Mẫu nổi bật với hoa văn chạm khắc hình rồng cuốn quanh thân cột.
Nằm sâu vào trong khuôn viên phía trước chùa Hang là khu vực “cửa Đá” dẫn vào hang thờ và bàn thờ Cửu huyền ở bên cạnh. Phía trong hang bao gồm nhiều khu vực thờ cúng nhỏ, được chia theo kết cấu các khoang đá bên trong. Đầu tiên là bàn thờ ba ông Phúc – Lộc – Thọ, tiếp đến là Ngũ hành nương nương, Quan Thế Âm Bồ Tát…