Nhấp vào đây để hiển thị nội dung Tiếng Việt
Thuyết minh tự động Tiếng Việt:
Linh Sơn Tiên Thạch Tự (còn gọi là chùa Phật, chùa Bà, chùa Thượng). Tọa lạc giữa lưng chừng núi với độ cao 350m, xây dựng năm 1745 . Đây là ngôi chùa xưa nhất có tuổi thọ cao nhất ở Tây Ninh, là dấu tích của những cư dân đầu tiên trên vùng đất Tây Ninh và cũng là một khẳng định rõ nét thời điểm Phật giáo đến Tây Ninh. Thiền sư Đạo Trung – Thiện Hiếu là người đầu tiên khởi công xây dựng ngôi chùa này.Trong những năm Pháp chiếm đóng núi Bà, hệ thống tu viện núi Bà hoàn toàn bị phá hủy. Năm 1956, Hòa Thượng Nguyên Chất – Giác Điền tổ chức sửa chữa, xây dựng lại một số chùa. Tuy nhiên trong kháng chiến chống Mỹ bom đạn lại tiếp tục tàn phá hệ thống chùa trên núi. Sau đó, hệ thống các chùa núi Bà đã được Ni trưởng Thích Nữ Diệu Nghĩa hiện là viện chủ đã nhiều lần tổ chức sửa chữa, nâng cấp và trùng tu mở rộng cho đến nay. Chùa sau khi được trùng tu có diện tích 210 m2 (bề rộng 14m, bề dài 15m), trụ trì đương nhiệm là Hòa Thượng Thích Niệm Thới.
Chùa mang nét kiến trúc kết hợp hài hòa của nhiều ngôi chùa cổ trong nước. Đặc biệt, chùa còn giữ được hai cột đá xanh từ thời Tổ Tâm Hòa (1910 - 1937) ở tiền đường, mỗi cột cao 4.5 m, đường kính 0.45m, chạm hình rồng uốn lượn rất đẹp.
Ở sân chùa Phật có tượng Bồ tát Quan Âm. Tiền đường thờ tượng Tiêu Diện. Tầng trên thờ Bồ tát Di Lặc, Bồ tát Văn Thù và Bồ tát Phổ Hiền. Điện Phật thờ tượng đức Trung Tôn chính giữa và chư Phật, Bồ tát: bộ tượng Di Đà Tam Tôn, đức Phật Thích Ca, tượng Đản sanh, Bồ tát Địa Tạng, Ngọc Hoàng... Hai bên có bàn thờ tượng Bồ tát Quan Âm và Bồ tát Thế Chí. Trước điện Phật có tượng Tứ Đại Thiên Vương: Ma Lễ Thọ, Ma Lễ Hồng, Ma Lễ Hải, Ma Lễ Thanh; tượng đức Hộ Pháp Vi Đà. Hai bên vách có bàn thờ Thập bát La Hán, Thập Điện Minh Vương, Mục Kiền Liên, Quan Thánh. Sau điện Phật, có bàn thờ Tổ sư Đạt Ma và các vị Tổ của chùa. Đặc biệt, ở điện Phật có tôn trí ngọc Xá lợi Phật, bảo vật do Hòa thượng Thích Hiển Pháp, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, được Vua Sãi Thái Lan tặng, và Hòa thượng đã cúng dường cho chùa vào năm 2000. Chùa có khu tháp Tổ, giữa là tháp Tổ Tâm Hòa, Tổ Giác Phú, Tổ Giác Điền. Hai bên là tháp Tổ Trừng Tùng và Tổ Thanh Thọ.
Cạnh chùa là Điện Bà Linh Sơn Thánh Mẫu (Linh Sơn Tiên Thạch Động) được cải tạo từ một mái đá tự nhiên nhô ra tạo thành một am động. Vòm mái cao 2,5m, cửa rộng 6m, hai bên được xây gạch ốp sát vách đá, ở giữa có cột gạch chống đỡ, vòm mái trước được xây dựng thêm tạo thành 2 lớp, nhà điện dài 8m là nơi dùng để phật tử chiêm bái và hành lễ. Bên trong có bàn thờ đặt tượng Bà bằng đồng, đã từng cứu nhân độ thế. Có nhiều truyền thuyết về Bà và việc tôn thờ Bà đã trở thành một tín ngưỡng dân gian.
Truyện kể về một đôi trai tài, gái sắc đã nguyện ước đính hôn, nhưng giữa buổi loạn ly, chàng trai Lê Sĩ Triệt phải lên đường tòng quân giữ nước. Nàng Lý Thị Thiên Hương, người con quê hương xứ Trảng Bàng ở lại một dạ thủ tiết thờ chồng. Nàng Thiên Hương là người mộ đạo. Trong một ngày lên núi đi chùa lạy Phật nàng bị thác oan. Về sau nàng hiển linh luôn phù hộ cho nhân dân trong vùng được phước lành. Tiếng lành đồn xa, người dân xây dựng miếu để thờ bà. Vua Gia Long khi lên ngôi tưởng nhớ chuyện được Bà mách bảo nên thoát nạn tại núi - Vua sai Tả quân Lê Văn Duyệt lên núi làm lễ sắc phong và tạc tượng Bà thờ ở một hang đá trên núi gọi là Điện Bà (Linh Sơn Tiên Thạch Động). Sắc phong đó bị thất lạc. Đến năm 1936 vua Bảo Đại đã tái phong sắc cho Bà và được tôn thờ đến ngày nay.
Hằng năm, khách hành hương đến viếng chùa, điện Bà rất đông vào tháng giêng và vào lễ vía Bà, ngày mùng 4, 5 và 6 tháng năm âm lịch. Năm 2018, Lễ vía Bà Linh Sơn Thánh Mẫu - núi Bà Đen được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.